Số doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại hoạt động sau 5 tháng vẫn vượt trội, song lượng giải thể, ngừng hoạt động đang có dấu hiệu tăng nhanh.

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 5 tháng đầu năm 2016. Theo đó, cả nước có 10.019 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 101.200 tỷ đồng, tăng 28% về số lượng và 78% về vốn so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 44.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn 349.500 tỷ đồng, tăng 24% về số doanh nghiệp và tăng 59,3% về vốn so với cùng kỳ.

Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 28,4%. Nếu tính cả 655.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các đơn vị khác thì tổng vốn được đưa vào kinh doanh trong 5 tháng đầu năm là hơn một triệu tỷ đồng. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới đạt 531.900 người. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại trong 5 tháng đầu năm là xấp xỉ 13.000, tăng 75,6% so với cùng kỳ năm trước.

hon-220-doanh-nghiep-o-viet-nam-chet-moi-ngay (4)

Tình hình doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2016

Tuy vậy, số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường cũng tăng mạnh thời gian qua. Trong 5 tháng, đã có 33.185 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tạm ngừng hoạt động. Như vậy trung bình một ngày, có hơn 220 doanh nghiệp Việt rút khỏi thị trường. Số chính thức giải thể – ngừng hoạt động và tạm dừng do khó khăn cũng tăng lần lượt 19,5% và 26% so với cùng kỳ.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một thống kê đáng chú ý khi trong 8 năm qua (2007-2015), trong số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động đạt 941.000, đã có 45,5% tức khoảng 428.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Trong đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động ngày càng tăng lên, năm 2015 đạt 80.000 doanh nghiệp.

Nói về số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể ngày càng tăng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư – Đặng Huy Đông khẳng định khi nào cán cân giữa doanh nghiệp thành lập mới và số giải thể, ngừng hoạt động vẫn dương thì thị trường vẫn ổn định. Ông cho rằng, có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp giải thể: sức ép cạnh tranh, xu thế hội nhập và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề phù hợp…

hon-220-doanh-nghiep-o-viet-nam-chet-moi-ngay

Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa được ban hành cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có cả nước có một triệu doanh nghiệp. Chính phủ cam kết phối hợp cùng bộ ngành liên quan thiết lập môi trường kinh doanh “sạch”, giảm các chi phí không chính thức, bị làm phiền bởi các đợt thanh kiểm tra cho doanh nghiệp.

Vậy chỉ có Việt Nam mới gặp tình trạng này chăng?

Câu trả lời là không. Tại Mỹ, cứ 10 dự án khởi nghiệp xuất hiện thì 8 dự án thất bại trong vòng 18 tháng.

Số liệu về tỷ lệ thất bại của các dự án khởi nghiệp xuất hiện tại một bài báo của Forbes năm 2013 và được dẫn nguồn từ Bloomberg. Tuy nhiên, đường dẫn tới số liệu gốc tại Bloomberg không hoạt động và không thể tìm thấy trên trang tin này. Vậy nhưng, với việc loáng thoáng nghe qua danh tiếng của Forbes và Bloomberg, số liệu này trở thành “chân lý” và nhanh chóng được lan rộng.

Thực tế, không có số liệu thống kê chính thức tỷ lệ thất bại của các dự án khởi nghiệp tại các quốc gia trên toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta có thể đối chiếu con số này với một số dữ liệu thông kê tại các quốc gia. Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, 50% các công ty mới thành lập tại Hoa Kỳ tồn tại ít nhất 5 năm. Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ cho biết, 66% các công ty mới thành lập tồn tại ít nhất 2 năm.

hon-220-doanh-nghiep-o-viet-nam-chet-moi-ngay (2)

Biểu đồ dưới đây cho thấy, 8 trong số 10 doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại trong 18 tháng đầu tiên là số liệu đã được phóng đại, nhằm nhấn mạnh tới những rủi ro khi khởi nghiệp, thay vì phản ảnh chính xác thực tế.

Tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập tồn tại được tại Anh, Mỹ, Australia và Canada cho thấy “truyền thuyết” 8 trong số 10 công ty khởi nghiệp thất bại trong giai đoạn 18 tháng đầu không phản ánh sự thực tại các quốc gia này.

hon-220-doanh-nghiep-o-viet-nam-chet-moi-ngay (3)

Tất nhiên, việc các dự án khởi nghiệp chết yểu không phải là điều hiếm gặp và có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Thực tế, CB Insight đã tổng hợp các nguyên nhân thất bại chủ yếu đối với các startup. Trong Top 20 nguyên nhân chính, 3 yếu tố hàng đầu là thiếu nhu cầu tiêu thụ từ thị trường, thiếu vốn và một đội ngũ nhân viên không phù hợp với công việc.

Trong khi tìm hiểu thêm về các nguyên nhân này, ít nhất bạn đã có thêm chút niềm tin vào ý tưởng khởi nghiệp của mình ngay bây giờ, bởi thực tế không quá khắc nghiệt như “truyền thuyết” trên thể hiện.