Hiện nay có rất nhiều cách để triển khai kế hoạch bán hàng trực tuyến, như bán hàng trên các trang mạng xã hội, diễn đàn….nhưng mang lại hiệu quả cao nhất vẫn luôn là xây dựng một website. Chúng tôi đã có một bài viết riêng đề cập đến những lợi ích của website với doanh nghiệp, nhưng làm sao để xây dựng được một website giúp tối ưu việc bán hàng trực tuyến không phải ai cũng làm được. Để giúp các bạn tránh gặp phải những sai lầm không đáng có, chúng tôi sẽ chia sẻ một số lưu ý khi xây dựng website, hi vọng rằng việc kinh doanh của bạn được thuận lợi hơn.
1. Tạo sự tin tưởng cho khách hàng
Trở ngại lớn nhất khiến thương mại điện tử chưa thực sự bùng nổ tại Việt Nam là vấn đề niềm tin. Khách hàng thường cảm thấy nghi ngờ chất lượng của những sản phẩm không được “trông tận mắt, sờ tận tay”, họ lo sợ mình gặp phải trường hợp “trao tiền thật, nhận hàng giả” hay những vấn đề liên quan đến vận chuyển hàng hóa. Chính những điều này đã cản trở quyết định mua sắm của khách hàng, và việc của bạn khi xây dựng website bán hàng trực tuyến là phải xóa tan rào cản ấy.
Tạo dựng niềm tin không chỉ là việc ngày một, ngày hai, nó là cả quá trình và đòi hỏi ý thức làm việc nghiêm túc, kiên trì của bạn. Nhưng trước tiên hãy tạo ấn tượng với khách hàng bằng cách thiết kế giao diện một website chuyên nghiệp, các đề mục, module, hình ảnh, banner được sắp xếp hợp lý, có đầy đủ công cụ trợ giúp quá trình lựa chọn và mua sản phẩm…Cách bạn trình bày bố cục website rất quan trọng, nó không chỉ là đẹp hay không mà còn thể hiện sự uy tín của doanh nghiệp, chắc chắn không ai muốn mua hàng tại một nơi lộn xộn, lem nhem rồi.
2. Tích hợp công cụ mua hàng trực tuyến
Có một thực tế buồn cười thế này, nhiều website của doanh nghiệp chỉ được dùng để đăng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, đến khi khách hàng đã chọn được món đồ ưng ý lại không biết vào đâu để…mua. Nên nhớ bạn đang xây dựng một website bán hàng trực tuyến, nhiệm vụ chủ yếu của nó phải là bán hàng. Vì thế cần tích hợp công cụ trợ giúp khách mua sắm online dễ dàng.
Đó là nút mua hàng, nút so sánh giá cả, tình năng giỏ hàng,…Và tốt nhất là hãy xây dựng quy trình mua hàng đạt chuẩn, đơn giản, dễ thực hiện và an toàn.
3. Làm nổi bật sản phẩm khi mô tả
Bạn đang bán hàng chứ không phải trưng bày, và việc bạn cần làm là khiến khách hàng chú ý đến sản phẩm của mình để mua chúng. Muốn vậy sản phẩm của bạn phải có những chức năng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, và trong muôn vàn thông tin mô tả hãy làm nổi bật các chức năng đó.
Chỉ ra sản phẩm của bạn làm được gì, những lợi ích mà sẩn phẩm mang đến cho khách hàng ra sao, đặc điểm nào khiến sản phẩm của bạn nổi trội hơn đối thủ…Tất cả những thông tin đó nên đưa lên đầu, dùng phông chữ hay tạo hiệu ứng đặc biệt để thu hút ánh mắt người dùng.
4. Hỗ trợ khách hàng trực tuyến
Đây là chức năng mà nhiều website bán hàng trực tuyến thường hay “quên”, trong khi hiệu quả mà nó mang lại là rất lớn.
Trước tiên về phía khách hàng, mặc dù mang danh là mua hàng trực tuyến nhưng họ sẽ không được nói chuyện trực tiếp với người bán, vì vậy những thắc mắc về giá, phương thức giao dịch,…đều không biết hỏi ai. Dịch vụ hỗ trợ khách hàng trực tuyến sẽ giúp họ điều này, chỉ cần nhấp chuột họ sẽ được liên hệ với người có quyền hạn.
Còn về phía doanh nghiệp, khi khách hàng phản hồi lại ngay trong quá trình mua sắm sẽ giúp họ thu thập được những thông tin hữu ích về nhu cầu, thói quen, sở thích,…của khách hàng, để từ đó có điều chỉnh phù hợp.
Hiện nay có nhiều hình thức hỗ trợ khách hàng trực tuyến khác nhau, như là qua skype, yahoo, hay khung chat trực tiếp trên website. Bạn nên sắp xếp hợp lý những chức năng này để người dùng dễ dàng tìm thấy và sử dụng. Cần đảm bảo luôn có người trực để trả lời cho khách hàng bất kỳ lúc nào trong giờ làm việc.
5. Sử dụng bản đồ chỉ dẫn
Một trong những yếu tố giúp website tạo được tin tưởng cho khách hàng là có địa chỉ và cách thức liên lạc rõ ràng. Những thông tin này thường được thêm vào cuối trang hoặc có một mục riêng. Thay vì để khách hàng phải dựa vào địa chỉ đó rồi lại lên mạng tra tìm thì tại sao bạn không tích hợp luôn chức năng bản đồ chỉ dẫn vào website của mình.
Tại một số website bán hàng trực tuyến đã áp dụng Google Maps và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Khách hàng biết được địa chỉ của cửa hàng có thể dễ dàng tìm kiếm đường đi từ vị trí của mình tới cửa hàng.
6. Đa dạng hóa công cụ thanh toán trực tuyến
Xác định bán hàng trực tuyến bạn nên khai thác tối đa những tiện ích và lợi thế của hình thức kinh doanh này so với bán hàng truyền thống, một trong số đó là thanh toán trực tuyến. Trước đây đối với hình thức bán hàng từ xa, cách thông thường được áp dụng là nhờ bưu điện thu hộ hoặc chuyển khoản ngân hàng. Nhưng khi công nghệ phát triển việc thanh toán đã dễ dàng hơn nhiều, chỉ vài thao tác khách hàng đã thực hiện xong các giao dịch.
Sử dụng dịch vụ của ngân hàng điện tử là cách đơn giản nhất, tiếp đến là cổng thanh toán, ví điện tử, thanh toán qua thẻ điện thoại,…Website của bạn nên được tích hợp nhiều công cụ thanh toán trực tuyến khác nhau, giúp khách hàng đa dạng hóa lựa chọn.
Một điều cần lưu ý là bạn phải đảm bảo an toàn thông tin cho khách khi thực hiện thanh toán trực tuyến, sử dụng chứng thư số SSL và giao thức HTTPS là những cách tối ưu nhất. Nhưng bên cạnh đó cũng phải có hệ thống chống hacker, ăn cắp dữ liệu,…
7. Kết hợp mạng xã hội
“Buôn có bạn, bán có phường”, câu nói này dù là bán hàng truyền thống hay trực tuyến đều đúng cả. Với kinh doanh online thì đó là sự liên kết giữa các website với nhau, đặc biệt là các mạng xã hội.
Hiện nay mạng xã hội đang ở đỉnh cao của sự phát triển, với hàng trăm triệu tài khoản, số lượng người truy cập và dữ liệu lưu trữ lên tới con số khổng lồ. Mạng xã hội đang dần trở thành một thế giới ảo nơi mọi người giao tiếp, chia sẻ cảm xúc, thậm chí là kinh doanh tại đó. Vậy thì không có lý do gì để bạn bỏ qua việc liên kết với thị trường đầy tiềm năng này.
Việc kết hợp mạng xã hội trên website có thể là bạn tích hợp tính năng “thích” bài viết của Facebook, Twitter, +1 của Google…hay tính năng chia sẻ, bình luận của những mạng xã hội này.
Khi thực hiện những điều này website của bạn “vô tình” sẽ được quảng bá đến hàng triệu người dùng mà không mất một đồng chi phí nào. Không cần nói nhiều chắc bạn cũng biết được những lợi ích mà mình có thể có được rồi chứ.
8. Xây dựng chuyên mục tư vấn sản phẩm cho website bán hàng trực tuyến
Chuyên mục tư vấn sản phẩm mặc dù chỉ mang tính chất phụ trợ nhưng hiệu quả mà nó mang đến rất lớn. Khách hàng khi mua sắm trực tuyến thường rất hay lo lắng về chất lượng sản phẩm, họ luôn muốn được tìm hiểu kĩ càng hơn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Vì vậy nếu website của bạn có một mục riêng chuyên đi phân tích, đánh giá các sản phẩm một cách chi tiết, khách quan hoặc đưa ra những hình ảnh thực tế của sản phẩm đó thì chắc chắn sẽ thuyết phục khách hàng hơn.
Chuyên mục này sẽ giúp website của bạn gây dựng được uy tín với khách hàng một cách dễ dàng hơn rất nhiều.
Trên đây là một số lưu ý khi bán hàng trực tuyến mà Lâm Minh Lonh muốn đưa ra để các bạn có thể tối ưu hóa website của mình, giúp việc kinh doanh diễn ra dễ dàng hơn. Chúc các bạn thành công!