Ông Kevin O’Kane – Giám đốc phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Một ví dụ điển hình về cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp nhỏ, đó là làng Vũ Đại ở Việt Nam. Quảng cáo trực tuyến đã giúp mang sản phẩm cá kho vươn ra thị trường trong nước, mang lại sự thịnh vượng cho cả một ngôi làng”.
Không kết nối online, doanh nghiệp bị “vô hình” với nửa thế giới
Câu chuyện về nồi cá kho của làng Vũ Đại chỉ là một ví dụ trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam đã khởi nghiệp thành công nhờ biết ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong kinh doanh.
“Doanh nghiệp Việt Nam, dù hoạt động ở bất kỳ ngành nghề nào, đều có thể trở thành một doanh nghiệp thương mại điện tử vì các bạn đã có sẵn lượng khách hàng kết nối trực tuyến và trên nền tảng di động. Nhưng phần lớn các DNNVV Việt Nam chưa thể cung cấp các trải nghiệm thương mại di động tốt và thậm chí còn chưa triển khai TMĐT. Điều đó khiến các doanh nghiệp chưa biết về TMĐT sẽ gần như bị “vô hình” trước nửa dân số Việt Nam, cũng như phần còn lại của thế giới đang kết nối trực tuyến”, ông Kevin O’Kane cho biết.
Ông Phạm Đình Hà – TGĐ Công ty Vietnam Unique Tour chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của doanh nghiệp mình. Trước đây khi kết hợp một công ty điều hành tour nước ngoài, Công ty ông luôn ở thế bị động, không kiểm soát được lượng khách và luôn bị ép giá khiến phần lãi giảm xuống.
Sau một thời gian đầu tư vào quảng bá trên mạng thì thu lại kết quả đáng ngạc nhiên là 80 – 90% lợi nhuận công ty đến từ quảng cáo trên mạng. Từ một công ty quy mô siêu nhỏ chỉ với 4 nhân viên thì nay công ty của ông Hà đã mở mạng lưới văn phòng đại diện sang tận Campuchia và Lào với 120 nhân viên.
Theo TS Phạm Minh Tuấn – Giám đốc Topica, đơn vị cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến cho học viên ở khu vực Đông Nam Á cho biết: “Khó khăn nhất của các chương trình đào tạo là làm sao tuyển sinh nhiều. Ban đầu công ty tôi áp dụng các phương pháp quảng cáo truyền thống như tổ chức hội thảo, tờ rơi, banner, hợp tác với các công ty địa phương. Kết quả, chúng tôi chỉ tuyển được 150 học viên. Chi phí bỏ ra lớn mà hiệu quả thu về không cao. Chúng tôi quyết định chuyển hướng quảng cáo Internet. Sau đó, tỉ lệ tuyển sinh tăng đột biến. Hiện tại lượng học viên đến từ online marketing chiếm 80% tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi có gần 3.000 học viên ở Thái Lan và 100 học viên tại Indonesia”.
Doanh nghiệp nhỏ nên bắt đầu từ đâu?
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết hiện có gần 50% dân số Việt Nam tiếp cận Internet. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nào không ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin sẽ trở nên lạc hậu. Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định: “52 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, 43% người tiêu dùng Việt Nam thông qua quảng cáo trực tuyến để tìm hiểu và mua sản phẩm là tiền đề để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm tuyệt đại đa số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sẽ bứt phá, phát triển và hội nhập thành công”.
Tiềm năng phát triển online marketing ở Việt Nam là rất lớn khi Việt Nam là quốc gia đứng đầu về điện thoại di động. Bà Tammy Phan – Giám đốc Đối tác chiến lược và Kênh bán hàng Google APAC dự báo “đến năm 2020, trong số 10 người thì có đến 8 người Việt Nam sử dụng điện thoại di động. Cứ tăng thêm 1% số người dùng di động thì đóng góp hơn 100 triệu USD vào GDP và 140.000 việc làm vào năm 2020.”
Vậy với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính không mạnh thì nên bắt đầu từ đâu? Trao đổi với PV Báo Lao Động, giám đốc một công ty du lịch cho rằng, với tiềm lực tài chính ít thì các doanh nghiệp khởi nghiệp nên tìm các “thị trường ngách” là các kênh marketing online miễn phí như mạng xã hội facebook, diễn đàn, các trang rao vặt…
Sau đó, các doanh nghiệp mới nên tính đến việc thuê công ty làm SEO chuyên nghiệp để tăng hiệu quả quảng cáo. “Để doanh nghiệp của bạn chiếm ở vị trí Top đầu trên thanh công cụ như Google thì các doanh nghiệp phải kiên trì và liên tục làm SEO bởi chỉ ngừng làm là trang web sẽ bị tụt hạng”, một chuyên gia cho biết.
Ông Kevin O’Kane cho biết “các DNNVV tại Việt Nam cần xây dựng cổng tiếp cận doanh nghiệp trên nền tảng di động, để một lượng lớn người tiêu dùng có thể tiếp cận, kết nối và tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp cần hiểu về khách hàng mình nhắm tới để từ đó xây dựng nền tảng giúp khách hàng tương tác trực tuyến với doanh nghiệp một cách đơn giản nhất, sau đó kết nối với khách hàng thông qua các quảng cáo trực tuyến phù hợp”.