Doanh nghiệp đôi khi dở khóc dở cười, thậm chí lâm vào bờ vực phá sản chỉ vì những “tai bay vạ gió” mà chính họ cũng không ngờ đến.
Anh “thợ hàn” Claudio Ranieri
Chẳng ai nghĩ, một huấn luyện viên từng bị ví như anh “thợ hàn” trong nghề như Claudio Ranieri lại có thể đưa đội bóng sắp xuống hạng như Leicester City vô địch Premier League mùa 2015 – 2016, một trong 3 giải bóng đá ngoại hạng đáng xem nhất hành tinh.
Nhưng, điều bất ngờ hơn sau câu chuyện không thể tin nổi của “thợ hàn” Ranieri là “sự cố” hy hữu do một thợ điện 56 tuổi vô danh Alan Ashcroft gây ra. Alan đã được 26 phụ nữ mời “qua đêm” nhờ ngoại hình và gương mặt giống với huấn luyện viên của The Foxes (biệt danh của Leicester).
Tờ Sunday Sport tiết lộ những lời “tự thú” từ Alan rằng, rất nhiều phụ nữ đã nhầm tưởng Alan là huấn luyện viên người Ý và bày tỏ mong muốn… tế nhị, dù Alan có giải thích nhưng họ không tin.
Liệu có sự trùng hợp nào giữa câu chuyện liên quan đến “nhân hiệu” Ranieri với Alan và những sự cố mà một DN có thể sẽ đối diện? Câu trả lời chắc chắn là có. Đôi khi chỉ vì một sự nhầm lẫn nhỏ như kiểu các chị em phụ nữ đã nhầm vẻ na ná của anh “thợ hàn” và “thợ điện”, nhưng hệ quả lại không hề đơn giản.
Xúc xích nhãn hiệu Viet Foods
Chẳng hạn, hồi tháng 4/2016, vụ 2,2 tấn xúc xích nhãn hiệu Viet Foods của Công ty TNHH Thương mại Thực phẩm Hùng Anh bị Đội quản lý thị trường số 14 (Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội) tạm giữ do nghi ngờ chứa chất dễ biến đổi thành tiền chất gây nguy cơ ung thư khi sinh nhiệt, Sodium Nitrate 251 – E251.
Vụ việc hiện vẫn còn chờ tham vấn của Bộ Y tế, vì theo Cục An toàn Thực phẩm, quản lý thị trường đã hiểu lệch vấn đề. Sodium Nitrate 251 không phải là chất cấm. Tại Việt Nam, Sodium Nitrate 251 được sử dụng trong sản xuất pho mát và nhiều quốc gia trên thế giới cho phép sử dụng chất này trong sản xuất xúc xích.
Hơn nữa, sau khi kiểm tra cơ sở sản xuất xúc xích Viet Foods ở Bình Dương, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh này đã kết luận: Viet Foods có đầy đủ cơ sở pháp lý, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm theo quy định hiện hành.
Chưa biết phải – trái thế nào nhưng đã có siêu thị không nhập xúc xích Viet Foods, thậm chí, người tiêu dùng tỏ ra e dè với loại thực phẩm chế biến này. Chưa hết, sự việc còn ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của một DN khác là Công ty CP Thực phẩm Việt Nam (có tên giao dịch là VietFoods).
Ngay khi truyền thông đăng tải thông tin về vụ tạm giữ 2,2 tấn xúc xích, phía Công ty CP Thực phẩm Việt Nam đã nhận hàng loạt cuộc gọi từ người tiêu dùng, đối tác… trong khi VietFoods chỉ chuyên cung cấp thực phẩm như: thạch sữa chua (ABC, NewJoy), thạch rau câu (Hugo, Poke), kẹo…
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô
Thực tế, có không ít trường hợp bị nhầm lẫn tên công ty, thương hiệu… Điển hình như trường hợp của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô (KinhDo TCI Group), chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội – một công trình xây dựng bị cưỡng chế tháo dỡ vì xây vượt chiều cao và diện tích sàn so với giấy phép.
Nhiều người lầm tưởng dự án này có “dây mơ rễ má” với Tập đoàn Kinh Đô chuyên sản xuất thực phẩm, bánh kẹo (hiện đã được đổi thành KIDO Group sau khi bán 80% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại) do anh em ông Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên sáng lập. Thực chất, KinhDo TCI Group hình thành năm 1997, với 7 công ty thành viên, hoạt động trong các lĩnh vực: xây dựng, đầu tư, phát triển dịch vụ, thương mại… tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu LantaBrand, rất khó để “thanh minh” đối với những sự cố đã lan tỏa trên các phương tiện truyền thông có xuất phát điểm là tên thương hiệu, tên công ty giống nhau, vì người tiêu dùng thường bị cuốn theo sự kiện và có tâm lý tự vệ hơn là bình tĩnh để phân tích hoặc chờ kết quả phán xét đúng, sai.
Do đó, để tránh những nhầm lẫn tai hại đó, DN phải tự bảo vệ mình. Khi đặt tên công ty, thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm…các chủ DN phải hết sức cẩn trọng, loại bỏ yếu tố trùng lặp, đăng ký bảo hộ, bản quyền, sở hữu trí tuệ… để có cơ sở pháp lý cho “đứa con tinh thần” một khi vướng sự cố.
Công ty Taylor & Son Ltd
Thật ra, sự nhầm lẫn tương tự như những trường hợp trên không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả những quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ như Anh cũng không loại trừ. Năm 2009, một cơ quan đăng ký kinh doanh cho các DN ở Anh (trực thuộc Chính phủ) đã thông tin cho rằng Taylor & Sons Ltd đang gặp những khó khăn về tài chính trong khi thực tế đó là câu chuyện của Công ty Taylor & Son Ltd.
Sự việc này khiến công ty gia đình có 124 năm tuổi với 250 công nhân này lâm vào cảnh đơn đặt hàng bị hủy, hợp đồng mất, tín dụng từ các nhà cung cấp bị thu hồi và phải phá sản. Năm 2015, phải trải qua gần 6 năm đòi lại công lý, Taylor & Sons Ltd đã được bồi thường 8,8 triệu Euro nhưng điều đáng tiếc là thương hiệu của một DN gia đình với nhiều tâm huyết, uy tín đã không còn.