Để đặt được những thành quả trên con đường Khởi nghiệp, startup buộc phải có những nguyên tắc riêng để không lùi bước trên chặng đường chông gai này.

1. Nguyên tắc đầu tiên các startup cần phải ghi nhớ chính là học cách chấp nhận thất bại. Tại sao vậy?

Các startup đều rất nhiệt huyết với ý tưởng kinh doanh của mình và tràn đầy tự tin. Tuy nhiên, những người mới khởi nghiệp với kiến thức và kinh nghiệm còn ít nên rất dễ thất bại. Những thất bại như công ty kinh doanh thua lỗ, thậm chí dẫn đến nợ nần chồng chất tưởng chừng không trả nổi là chuyện không hiếm trong giới khởi nghiệp. Hãy tập xem đó là một việc bình thường khi đã chấp nhận bước vào đường đua khởi nghiệp vô cùng khốc liệt.

Hơn nữa, startup cần lên dây cót tinh thần, thất bại không chỉ đến một lần. Trước khi khởi nghiệp thành công, bạn sẽ vấp ngã không ít. Thậm chí, ngay cả khi công việc kinh doanh đang rực rỡ, thất bại cũng có thể đến bất chợt.

Không ít bạn trẻ giai đoạn đầu khởi nghiệp đã rơi vào tình trạng suy sụp, mất ý chí và niềm tin vào bản thân. Những khủng hoảng tâm lý là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải mảnh đất dành cho những người yếu đuối. Bạn có thể ghét thất bại nhưng hãy cho phép bản thân được thất bại một vài lần vì “thất bại là mẹ thành công”.

2. Chấp nhận thất bại chính là phong thái của những nhà khởi nghiệp.

Sau từng thất bại, startup dễ dàng đánh giá được hướng đi hiện tại và tìm những hướng đi tốt hơn cho tương lai. Thực chất, startup sẽ nhận ra được niềm vui trong thất bại khi các bạn hiểu được tường tận vấn đề đang gặp phải.

Cần xây dựng cả văn hóa chấp nhận mọi thất bại, mọi rủi ro trong giới khởi nghiệp vì đó là quy luật tất yếu cho việc đánh đổi, tìm đến sự thành công. Trong văn hóa chấp nhận thất bại ấy, dũng cảm và mạo hiểm cần được xây dựng trở thành tính cách then chốt.

Khởi nghiệp hiện nay không chỉ là cá nhân khởi nghiệp, gia đình khởi nghiệp mà đã nâng lên trở thành cộng đồng khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Phong trào khởi nghiệp ở nước ta đang rất mạnh mẽ. Mỗi startup cần trở thành một chiến binh mạnh mẽ, bản lĩnh. Như vậy, quốc gia mới có thể khởi nghiệp một cách vững mạnh.

3. Để hình dung những kịch bản chấp nhận thất bại, tôi xin thử lấy một ví dụ.

Tôi là một lập trình viên và có khả năng học ngoại ngữ tốt. Tôi thấy xung quanh bạn bè mình học ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn và vì vậy tôi quyết tâm lập trình một phần mềm học ngoại ngữ cho các bạn lập trình viên như tôi và nói chung là cho giới trẻ Việt Nam. Tôi tin vào thành công của mình vì qua khảo sát sơ bộ tôi thấy, phần mềm của đối thủ cạnh tranh nhiều, nhưng công nghệ không tốt bằng tôi và không nhiều người dùng.

3.1 Kịch bản thất bại sẽ là:

Tôi lao vào lập trình ngay một phần mềm học ngoại ngữ, ngốn của tôi vài tháng trời mất ăn mất ngủ, nhưng khi tung sản phẩm ra thì không có nhiều người dùng ngoài bạn bè và những người quen. Tôi sẽ đổ lỗi vì mình chưa có tiền làm marketing chứ không phải sản phẩm không tốt. Và rất có thể tôi sẽ lao đầu đi tìm nhà đầu tư.

3.2 Kịch bản chấp nhận thất bại sẽ là:

– Có thể mình đúng nhưng cũng chưa chắc đã có nhiều người cần, mình phải đi hỏi xem mọi người học ngoại ngữ bằng phần mềm thế nào? Họ dùng cái gì rồi, họ thích hay không thích, tại sao? Họ có trả tiền để cho một sản phẩm như vậy không?

– Rồi tôi lân la đến các quán trà đá sinh viên, hỏi chuyện vài bạn, hỏi đến người thứ năm tôi phát hiện ra rằng, mọi người có muốn học bằng phần mềm, các phần mềm đều thú vị nhưng họ không chống lại được căn bệnh lớn là LƯỜI học ngoại ngữ, họ chưa thấy sức ép phải học quá mức. Hóa ra, MÌNH ĐÃ NGHĨ SAI về nhu cầu học ngoại ngữ. Vấn đề thất bại của những đối thủ không nằm ở sản phẩm, tính năng mà ở chính hành vi của người dùng và tiếp theo tôi sẽ đặt câu hỏi: “rõ ràng mọi người đều dùng Facebook, tốn tới tối thiểu hai giờ mỗi ngày, tại sao không thể dành thời gian để học ngoại ngữ? Dường như phải làm cái gì đó vui vui để học ngoại ngữ cũng hấp dẫn như Facebook hoặc tận dụng Facebook để học ngoại ngữ chăng? v.v… và tôi lại tiếp tục khám phá để kiểm chứng, trước khi đi vào bước xây dựng sản phẩm mẫu, đo lường và học hỏi tiếp.

Bạn thấy đấy, chấp nhận thất bại thực chất là chấp nhận mình sai, và hóa ra việc chấp nhận mình giả định sai cũng không quá khó khăn như ta tưởng, nếu không muốn nói là quá trình đi chứng minh mình sai là một quá trình giúp ta khám phá ra những thứ hết sức thú vị, gợi ý cho ta nhiều điều và thậm chí mở ra những hướng đi mới mẻ. Vì vậy, văn hóa chấp nhận thất bại cũng không cần phải đao to búa lớn, nó có thể bắt đầu từ những thứ rất nhỏ. Nếu bạn sẵn sàng để học cái mới, hãy chấp nhận mình có thể sai. Một vài câu test nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn khẳng định mình đã sẵn sàng học từ thất bại chưa:

  1. Bạn có sẵn sàng bước chân ra ngoài, hỏi chuyện người lạ về những vấn đề họ đang gặp phải không?
  2. Bạn có sẵn sàng ngừng nói về sản phẩm của mình và lắng nghe người khác nói về vấn đề của họ không?
  3. Bạn có chỉ trích người khác khi người đó không hiểu gì về ý tưởng của bạn không?
  4. Bạn có hạnh phúc khi khám phá ra rằng mình đã nghĩ sai không?
  5. Nhìn kết quả khảo sát, bạn có sẵn sàng nói câu: Mình sai rồi không?

Nếu các câu trả lời 1. Có; 2. Có; 3. Không; 4. Có; 5. Có : Xin chúc mừng, bạn đã bước những bước đầu tiên trên con đường mà bạn đã chọn: KHỞI NGHIỆP.